Được nhiều dân sưu tập gỗ quý gọi là “vương mộc”, gỗ hoàng đàn là một trong những loại gỗ quý hiếm rất có giá trị tại Việt Nam. Vậy gỗ hoàng đàn là gỗ gì, dòng gỗ này có điều gì đặc biệt để tạo nên giá trị của nó, hãy cùng tìm hiểu ngay sau đay
1. Gỗ hoàng đàn
1.1 Gỗ hoàng đàn là gỗ gì?
Gỗ hoàng đàn là tên gọi quen thuộc của loại gỗ từ loài bách có nguồn gốc từ núi Himalaya. Đây là loại gỗ quý hiếm có hương thơm ngọt ngào, khả năng tỏa hương mạnh được nhiều người chơi đồ gỗ đánh giá rất cao. Gỗ hoàng đàn cũng có khả năng lưu hương tới hàng chục năm mà không cần phải bào, đánh nhám lớp gỗ bên ngoài.

1.2. Đặc điểm sinh học cây hoàng đàn
Cây hoàng đàn (cây bách Himalaya) là một loài thực vật thân gỗ, lá hình kim xanh quanh năm, có tên khoa học là Cupressus torulosa. Rất nhiều chuyên gia về gỗ hay nhầm lẫn rằng hoàng đàn thuộc về họ Thông (Pinaceae), điều này là không chính xác về mặt khoa học. Hoàng đàn một loài được phân loại khoa học thuộc chi Hoàng đàn (hay còn gọi là chi Bách), họ Bách.
- Tên khoa học: Cupressus torulosa
- Tên tiếng Việt: Hoàng đàn
- Tên gọi khác: cây bách Himalaya, cây bách Bhutan, cây bách Tây Tạng, cây bách xoắn, hay tùng có ngấn
- Chi: Hoàng đàn / Bách (Cupressus)
- Họ: Hoàng đàn / Bách (Cupressaceae)
Hoàng đàn là loài không chịu được bóng râm, phát triển mạnh ở các khu rừng mưa nhiệt đới và cận nhiệt đới, chúng ưa thích môi trường có nhiều đá vôi, chất nền. Cây hoàng đàn sinh trưởng rất chậm, cây 5 năm tuổi mới có thể đạt độ cao khoảng 2.5-3m. Khả năng tái sinh của hoàng đàn cũng khá kém, dưới các gốc cây hoàng đàn rất hiếm khi có cây non mọc lên.

Hoàng đàn tự nhiên được tìm thấy ở độ cao từ 300-2.800m trên các địa hình đá vôi phía tây dãy núi Himalaya, trên cao nguyên Tây Tạng và Tứ Xuyên, Trung Quốc). Tại Việt Nam, cây hoàng đàn tự nhiên cũng được phát hiện trên các dãy núi đá vôi thuộc các tỉnh Tuyên Quang, Lạng Sơn.
1.3. Đặc điểm nhận biết gỗ hoàng đàn

Đặc điểm nhận biết của gỗ hoàng đàn:
- Màu sắc: giác gỗ mỏng màu vàng nhạt, lõi gỗ cứng màu nâu đỏ nhạt, gỗ khô hoặc ít dầu sẽ có màu vàng
- Kết cấu gỗ: thớ thẳng, gỗ mịn, mềm xốp.
- Trọng lượng riêng: Trọng lượng riêng gỗ hoàng đàn từ 0.48-0.52 N/m³. Gỗ hoàng đàn có dầu sẽ chìm trong nước.
- Mùi gỗ: ngọt ẩm, thanh mát
1.4. Giá trị của gỗ hoàng đàn
Để đánh giá về chất gỗ, thì gỗ hoàng đàn không có nhiều điểm đặc biệt nhưng điểm khác biệt tạo nên giá trị của gỗ hoàng đàn đó là mùi hương. Gỗ hoàng đàn tự nhiên có mùi ngọt ẩm, thanh mát, nhưng không có vị cay nồng như các loại gỗ thơm khác. Mùi gỗ hoàng đàn tự nhiên được mô tả là giống như là mùi sâm sống, mùi ba kích tím, hay mùi dầu gió.
Cùng với đó là khả năng tỏa hương mạnh của gỗ hoàng đàn. Nhiều người chơi gỗ mới tiếp xúc lần đầu với gỗ hoàng đàn thường cảm giác sốc mũi bởi khả năng tỏa hương mạnh của gỗ. Mùi gỗ hoàng đàn ngửi quen sẽ có cảm giác thư thái, khoan khoái nên rất được dân chơi gỗ ưa chuộng.

Tuy nhiên, gỗ hoàng đàn trồng hoặc mọc ở đất thịt thì mùi gỗ phần gốc và rễ thường có mùi hơi ngai ngái, chua chua. Gỗ hoàng đàn trồng trên đất thịt cũng không có nhiều tinh dầu như gỗ hoàng đàn tự nhiên.
Thứ hai đó là sự quý hiếm của gỗ hoàng đàn. Ở nước ta, hoàng đàn là loài thực vật đang được xếp vào nhóm nguy cấp cần được bảo tồn. Hoàng đàn đã được nhà nước đưa vào sách đỏ Việt Nam, danh mục 1A những cây gỗ quý. Hiện còn rất ít các cây gỗ hoàng đàn già lâu năm ngoài tự nhiên, các cây hoàng đàn tự nhiên cũng đã được nhà nước gắn chip theo dõi để bảo vệ.
Cùng với đó là khả năng sinh trưởng của hoàng đàn rất chậm. Rất ít cây hoàng đàn được nhân giống và nuôi trồng có đủ tuổi gỗ để khai thác. Vì vậy, để sưu tập được những phôi gỗ hoàng đàn với hàm lượng dầu cao là rất khó.
2. Ứng dụng sản xuất gỗ hoàng đàn
Do có mùi thơm ngọt quý phái, từ xa xưa gỗ hoàng đàn đã được khai thác để làm vật dụng nội thất cho các giới quý tộc, làm bài vị thờ cúng, làm hương. Ngày nay, do sự khan hiếm nên gỗ hoàng đàn chỉ được dùng để chế tác các vật phẩm phong thủy như tượng phật, vòng hạt,…
Phần thân và rễ hoàng đàn chứa lượng tinh dầu nhiều nhất là phần gỗ giá trị nhất sẽ thường chế tác các tác phẩm điêu khắc nghệ thuật, tượng phật để phục vụ nhu cầu của người sưu tập đồ gỗ.


Các phần mấu gỗ, gỗ thừa sẽ được tận dụng để sản xuất chuỗi hạt, vòng tay.

Ngoài phục vụ mục đích sưu tập, gỗ hoàng đàn cũng có nhiều lợi ích khác. Tinh dầu gỗ hoàng đàn được chiết xuất từ lá, thân, rễ cây được sử dụng làm chất định hương cho nước hoa, xà bông, kem bôi mặt. Ngoài ra, tinh dầu hoàng đàn cũng được sử dụng trong các liệu pháp xoa bóp kết hợp hương thơm, hoặc làm chất sát trùng.
Các bộ phận khác của hoàng đàn như lá, vỏ cây còn được sử dụng như một vị thuốc trong các bài thuốc đông y chữa cảm mạo, sốt, dạ dày, tiêu chảy,…
3. Thông tin khác về cây gỗ hoàng đàn khác
3.1. Hoàng đàn tuyết Lạng Sơn
Hoàng đàn tuyết Lạng Sơn là loài đặc hữu chỉ có tại Lạng Sơn. Đây là loài có bộ gen quý và hiếm gặp ở nước ta. Tinh dầu trong gỗ hoàng đàn tuyết Lạng Sơn tương đối đậm đặc nên khi bảo quản gỗ trong môi trường lạnh, độ ẩm cao sẽ sinh một lớp tinh thể óng ánh như tuyết trên bề mặt của gỗ.

3.2. Gỗ hoàng đàn không lên tuyết?
Hầu hết, các loại gỗ hoàng đàn đều có khả năng tạo tuyết trên bề mặt gỗ. Nhưng không phải phôi gỗ hoàng đàn nào cũng có thể lên tuyết tự nhiên. Các phôi gỗ hoàng đàn cỡ lớn hiện nay đều là gỗ phần thân, được người chơi gỗ sưu tập từ rất lâu năm. Nếu không được bảo quản tốt, phôi gỗ có thể bị khô, không còn nhiều tinh dầu thì sẽ không có khả năng lên tuyết.
3.2. Hoàng đàn vàng có phải là một loại gỗ hoàng đàn
Nhiều dân chơi gỗ thường hay nhầm lẫn gỗ hoàng đàn thật với một loại gỗ khác có màu sắc và hương thơm gần giống với gỗ hoàng đàn – gỗ hoàng đàn vàng (hay còn gọi là gỗ bách vàng). Hoàng đàn vàng hay còn gọi bách vàng Việt Nam, có tên khoa học là Cupressus vietnamensis. Đây là một loài bách đặc hữu cũng nằm trong chi Hoàng đàn, có nguồn gốc từ huyện Quản Bạ, Hà Giang được phát hiện vào năm 1999.
Gỗ bách vàng cũng có mùi thơm ngọt và khả năng chống mối mọt tự nhiên rất tốt. Đây cũng là loại gỗ cực kì quý hiếm tại nước ta.
3.3. Phát hiện cây gỗ hoàng đàn khổng lồ tại Trung Quốc

Vào tháng 5/2023, một nhóm nghiên cứu tại Đại học Bắc Kinh đã phát hiện một cây bách khổng lồ được cho là loài hoàng đàn Cupressus torulosa cao tới 102,3m tại khu bảo tồn thiên nhiên Yarlung Zangbo Grand Canyon ở hạt Bome, thành phố Nyingchi, thuộc Khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc. Đây cũng là cây cao nhất châu Á và cao thứ hai trên thế giới từng được phát hiện.
Tài liệu tham khảo:
- Tài liệu về “Cupressus torulosa” – tại Wikipedia
- Tài liệu về “Cupressus” – tại Wikipedia
- Tài liệu về “hoàng đàn vàng (bách vàng Việt Nam)” tại Wikipedia
Đọc Thêm
Kiến thức gỗ
Gỗ mun hoa: những đặc điểm có thể bạn chưa biết
Kiến thức gỗ
Gỗ mun đuôi công là gỗ gì – tìm hiểu đặc điểm, ưu nhược điểm của gỗ mun đuôi công
Kiến thức gỗ
Khám phá 10 loại gỗ mun quý hiếm nhất thế giới, bật mí loại đắt giá nhất
Kiến thức gỗ
Gỗ mun sừng: 6 đặc điểm có thể bạn chưa biết về gỗ mun sừng!
Kiến thức gỗ
Gỗ mun đen (gỗ nhọ nồi): Gỗ tạp mang mác mun sừng?
Kiến thức gỗ
Gỗ mun sọc: Khám phá loại gỗ đặc hữu quý hiếm tại Việt Nam