Gỗ mun là gỗ gì?
Gỗ mun là tên gọi chung của nhiều loại gỗ có màu đen hoặc vân đen, hầu hết được khai thác từ các loài cây thuộc chi Thị (Diospyros). Đây là loại gỗ đắt nhất, hiếm nhất và bí ẩn nhất trên thế giới. Tại Việt Nam, gỗ mun thường được khai thác từ cây mun (cây mung) nên được gọi là gỗ mun.
Trong nhiều thế kỷ, đặc biệt là 500 năm qua, gỗ mun là vật sở hữu quý giá nhất trong cung đình. Nó thường được sử dụng làm đồ dùng nội thất, vật trang trí cho các vị vua, hoàng tử và quý tộc trên khắp Châu Âu và Châu Á.
Đặc điểm chung của các loại gỗ mun:
- Cây gỗ sinh trưởng chậm
- Gỗ có màu đen hoặc vân đen đặc trưng
- Gỗ có độ cứng cao, nặng
- Không bị mối mọt, độ bền cao
Các loại gỗ mun
Có nhiều loại gỗ mun khác nhau, nhưng một số loại phổ biến và có giá trị nhất bao gồm:
Gỗ mun Gabon (Diospyros crassiflora)

Gỗ mun Gabon (Diospyros crassiflora) hay còn gọi là gỗ mun Cameroon, đây là loài gỗ mun đắt nhất trên thế giới. Mun Gabon là loại gỗ quý hiếm có nguồn gốc từ khu vực Tây Phi, phân bố chủ yếu ở Cameroon, cộng hòa Trung Phi, cộng hoà Congo, cộng hoà dân chủ Congo, Nigeria.
Gỗ mun Gabon được đánh giá là loại gỗ tốt nhất trong họ gỗ mun. Gỗ mun Gabon có màu đen bóng, thi thoảng xen lẫn sọc nâu đỏ hoặc vàng nâu, tom gỗ rất mịn và độ cứng rất cao. Do mật độ và độ cứng cao nên Ebony rất khó để gia công.
Gỗ mun Châu Phi (Diospyros mespiliformis)

Gỗ mun châu Phi (Diospyros mespiliformis) hay còn gọi là gỗ mun trắng, gỗ mun đầm lầy châu Phi, gỗ mun Tây Phi, đây là loài bản địa phân bố khắp châu Phi, ưa mọc ở các khu rừng ven sông, các gò mối, mỏm đá.
Mặc dù có cùng họ với các loài gỗ mun, nhưng tâm gỗ mun châu Phi không có màu đen. Nó có dác gỗ sáng màu dễ phân biệt với tâm gỗ màu nâu sẫm. Tâm gỗ màu đen chỉ xuất hiện ở những cây già và phụ thuộc vào đặc điểm thổ nhưỡng. Gỗ của cây mọc ở các vùng thảo nguyên sẽ có vân gỗ màu đen trong khi những cây từ khu vực rừng rậm thì không.
Diospyros mespiliformis rất nặng, cứng, chắc, có khả năng chống nấm và mối mọt nên thường được sử dụng cho mục đích xây dựng, đồ nội thất, chạm khắc, sàn nhà,… Ca nô độc mộc cũng thường được làm từ loại gỗ này, đặc biệt là ở các nước Botswana và Namibia.
Gỗ mun Ceylon (Diospyros ebenum)

Gỗ mun Ceylon (Diospyros ebenum) là loại gỗ mun có nguồn gốc từ miền nam Ấn Độ và Sri Lanka. Mun Ceylon được biết là loại gỗ mun đắt đỏ, có độ thẩm mỹ và độ bền được đánh giá rất cao.
Tâm gỗ mun Ceylon khi được mới khai thác có sọc hồng, hơi vàng, nâu hoặc tro, xen lẫn sọc màu đen hoặc đen hoàn toàn. Tâm gỗ thường được phân định rõ ràng với dác gỗ màu trắng, hơi vàng hoặc đỏ. Kết cấu rất mịn, đặc biệt ở tâm gỗ rất đặc; thớ gỗ nói chung rất thẳng.
Gỗ mun Ceylon rất cứng, nặng, tâm gỗ giòn, rất bền, dác gỗ cứng và dẻo, dày vừa phải. Gỗ mun Ceylon khó có thể gia công tốt, các khúc gỗ xẻ phải được xếp chồng lên nhau cẩn thận để tránh cong vênh. Tuy nhiên, sau khi khô hoàn toàn, mun Ceylon rất ổn định, ít bị tác động với môi trường.
Gỗ mun sừng (Diospyros mun)

Mun sừng (Diospyros mun) hay mun Việt Nam một loại gỗ mun đặc hữu cực kỳ quý hiếm của nước ta. Mun sừng từng phân bố nhiều ở các tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận, Nghệ An, tuy nhiên hiện nay gần như đã tuyệt chủng.
Tâm gỗ mun sừng có màu xanh rêu sau một thời gian bị oxy hoá sẽ chuyển sang màu đen tuyền. Mun sừng có chất gỗ đanh, cứng giòn, tom gỗ rất mịn, độ bóng tự nhiên cao nên rất được ưa chuộng trong sản xuất mỹ nghệ, điêu khắc. Mun sừng cũng có chất lượng gỗ rất cao, không thua kém gỗ mun Gabon.
- Tìm hiểu thêm: Gỗ mun sừng: 6 đặc điểm có thể bạn chưa biết về gỗ mun sừng!
Gỗ mun đen trắng (Diospyros malabarica)

Gỗ gỗ mun đen trắng (Diospyros malabarica) hay được gọi là gỗ mun hoa, đây là loại gỗ có nguồn gốc từ Lào và Đông Nam Á. Gỗ mun hoa có thịt gỗ màu vàng nhạt hoặc trắng nhạt với các vân gỗ đen như hình bông hoa ở tâm gỗ, thớ thẳng, kết cấu gỗ tương đối mịn, độ cứng vừa phải.
Tính chất gỗ co ngót cao, dễ nứt nẻ nên chế biến gỗ mun hoa tương đối phức tạp. Tuy nhiên do có vân gỗ đẹp, độc đáo nên mun hoa vẫn được ưa chuộng trong sản xuất nhạc cụ, đồ tiện, đồ khảm và các vật dụng nhỏ.
Ngoài ra, do đặc điểm của gỗ, gỗ mun hoa thường hay bị nhầm lẫn với mun sọc (Diospyros saletti) – một loại gỗ rất quý hiếm khác trong họ gỗ mun.
Gỗ mun sọc (Diospyros saletti)

Gỗ mun sọc (Diospyros saletti) là một gỗ mun cực kỳ quý hiếm có nguồn gốc ở Việt Nam, phân bố chủ yếu ở vùng trung bộ Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan. Khác với mun hoa Lào, gỗ mun sọc có vân gỗ màu đen ánh xanh xen lẫn phần thịt gỗ màu trắng nhạt hoặc vàng nhạt, dác gỗ trắng nhạt, gỗ cứng, tom gỗ bóng mịn. Mun sọc cũng có tính chất tượng tự như mun hoa Lào nhưng cây thường nhỏ hơn, ít co ngót hơn mun hoa Lào.
Gỗ mun đen (Diospyros eriantha)

Gỗ mun đen (Diospyros eriantha) thực chất là gỗ của cây nhọ nồi, đây cũng là một loại gỗ có màu đen trong họ gỗ mun phân bố chủ yếu ở Đài Loan, Trung Quốc, Việt Nam. Mun đen có tâm gỗ đen tuyền đặc trưng, dác gỗ màu vàng nhạt, thớ gỗ hơi thô, độ cứng, độ bền trung bình, dễ gia công.
Mặc dù thuộc họ gỗ mun, nhưng gỗ mun đen chỉ được coi là loại gỗ tạp không được đánh giá cao. Mun đen thường dùng trong chế tác đồ gỗ mỹ nghệ, phong thuỷ, gia dụng,…
- Tìm hiểu thêm: Gỗ mun đen (gỗ nhọ nồi): Có phải gỗ tạp giả gỗ mun sừng?
Gỗ mun Makassar (Diospyros celebica)

Mun Makassar có tên khoa học là Diospyros celebica, đây là một loài thực vật đặc hữu của đảo Sulawesi ở Indonesia. Tên gọi mun Makassar cũng được đặt theo tên của cảng biển Makassar – cảng biển chính của đảo Sulawesi.
So với những loài khác trong họ gỗ mun, thớ gỗ mun Makassar có những vệt màu nâu rộng hơn xen lẫn vân đen. Tom gỗ to khá thô, gỗ thường bị lỗi, tâm gỗ thường vết nứt, độ co ngót cũng khá cao. Gỗ mun Makassar là loại gỗ dễ gia công, nên phần lớn được khai thác để sử dụng làm đồ nội thất.
Gỗ mun Queensland (Diospyros humilis)

Gỗ mun Queensland (Diospyros humilis) là gỗ của một loài thị nhỏ phân bố ở miền đông nước Úc, chủ yếu ở bang Queensland. Gỗ mun Queensland có phần tâm gỗ nhỏ màu đen, gỗ trung gian màu hồng nhạt với các vệt màu xám mịn và dác gỗ mỏng màu kem.
Gỗ mun Queensland không đặc hay cứng như một số loại gỗ mun khác nhưng vẫn là loại gỗ có giá trị được sử dụng để làm đồ nội thất, nhạc cụ và các vật dụng khác.
Bài viết còn được tham khảo từ các tài liệu:
- Tài liệu về “Chi Thị” tại Wikipedia
Đọc Thêm
Kiến thức gỗ
Gỗ mun hoa: những đặc điểm có thể bạn chưa biết
Kiến thức gỗ
Gỗ mun đuôi công là gỗ gì – tìm hiểu đặc điểm, ưu nhược điểm của gỗ mun đuôi công
Kiến thức gỗ
Khám phá 10 loại gỗ mun quý hiếm nhất thế giới, bật mí loại đắt giá nhất
Kiến thức gỗ
Gỗ mun sừng: 6 đặc điểm có thể bạn chưa biết về gỗ mun sừng!
Kiến thức gỗ
Gỗ mun đen (gỗ nhọ nồi): Gỗ tạp mang mác mun sừng?
Kiến thức gỗ
Gỗ mun sọc: Khám phá loại gỗ đặc hữu quý hiếm tại Việt Nam